Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Chủ tịch UBND tỉnh: "Phải đảm bảo nước sinh hoạt cho thành phố Nha Trang"

1
Người dân chặn dòng sông để lấy nước sinh hoạt

Hiện nay, hạn hán với cường độ khốc liệt đang khiến cho hơn 14.000 người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đối diện với cảnh khan hiếm nước sinh hoạt, con số này chắc chắn sẽ còn gia tăng hơn nữa trong thời gian tới. Trước tình hình diễn biến phức tạp  của xâm ngập mặn và hạn hán thiếu nước sinh hoạt, chiều 27-4, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo các biện pháp đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong thời gian tới.


Thiếu nước nghiêm trọng

Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ, năm 2016, tổng lượng mưa các nơi trên địa bàn tỉnh phổ biến
từ 10 đến 25mm, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 50 đến 83mm, thiếu hụt 73 đến 89%, cá biệt trên lưu vực sông Cái Nha Trang, cụ thể tại trạm Đồng Trăng thiếu hụt 92,8%. Lưu lượng dòng chảy trên các sông, suối của tỉnh từ tháng 1 đến nay thiếu hụt từ 80 đến 90% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Đặc biệt, vào ngày 23-4-2016, một kỷ lục mới đã được xác lập khi mực nước trên sông Cái tại Trạm thủy văn Đồng Trăng đã chạm mức 2,95m - mực nước thấp nhất từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Thái Như Trị - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Vào thời điểm 7 giờ ngày 26-4, tổng dung tích của 18 hồ chứa nước trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn chưa đầy 112 triệu m3, đạt 45% dung tích thiết kế. Trong đó, có những hồ chứa đã hạ xuống đến mức thấp nhất, như hồ Đá Bàn có dung tích thiết kế 75 triệu m3, nay chỉ còn chưa đầy 10 triệu m3 nước (13%); một số hồ khác như: hồ Đá Đen chỉ còn 14%, hồ EakrongRou còn 19%...

Theo báo cáo từ các địa phương, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 3.400 hộ với 14.000 nhân khẩu đang thiếu nước; người dân phải tự mua nước để phục vụ sinh hoạt. Cụ thể: xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh); Vĩnh Lương, Phước Đồng (TP. Nha Trang); Diên Toàn, Diên Tân (huyện Diên Khánh); Khánh Trung, Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh); Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Sơn Bình, Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn); Cam Hiệp Nam, Cam Hiệp Bắc, Cam Hòa, Cam Tân, Suối Cát (huyện Cam Lâm). Trong tháng tới, nếu trên địa bàn tỉnh không có mưa, dự kiến sẽ có khoảng 22.862 hộ với 98.517 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt. Tình hình thiếu nước sinh hoạt sẽ lan rộng ra nhiều địa phương hơn nữa như: Vạn Hưng, Vạn Thắng, Vạn Khánh, Vạn Phước (huyện Vạn Ninh); Vĩnh Ngọc, Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang); Ninh Tây, Ninh Vân, Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa); Diên Xuân, Diên Lâm, Diên Bình, Diên Lộc, Diên Hòa, Suối Tiên (huyện Diên Khánh); Khánh Nam, Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh); Cam Phước Tây, Cam An Nam, Cam An Bắc, Cam Thành Bắc, Cam Đức, Cam Hải Tây (huyện Cam Lâm); Cam Thịnh Tây, Cam Lập, Cam Phước Đông, Cam Thành Nam, Cam Thịnh Đông, Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh).

Nhiều biện pháp được triển khai

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hồ Đá Bàn, Đá Đen đã dừng cấp nước cho nông nghiệp để ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh; các hồ Cam Ranh, Tà Rục sẽ cấp nước cho nhà máy nước Cam Ranh, Cam Lâm; một số hồ chứa như: Hoa Sơn, Suối Trầu, Suối Luồng, Tiên Du… trong quá trình điều tiết nước tưới, người dân sẽ sử dụng nước trong hệ thống kênh để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi.

Mực nước mặn từ hạ lưu đập ngăn mặn Vĩnh Phương nhiều thời điểm cao hơn nước ngọt ở thượng lưu
Mực nước mặn từ hạ lưu đập ngăn mặn Vĩnh Phương nhiều thời điểm cao hơn nước ngọt ở thượng lưu

Đối với sông Cái Nha Trang, lưu lượng dòng chảy hiện nay chỉ đủ cung cấp cho 2 nhà máy nước của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa. Do vậy, phương án được đưa ra là 18 trạm bơm lớn nhỏ ở huyện Diên Khánh, TP. Nha Trang sử dụng nước trên sông Cái phục vụ cho sản xuất nông nghiệp phải ngưng hoạt động để dành nước phục vụ sinh hoạt cho người dân TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh. Trong trường hợp nước sông Cái tiếp tục giảm mạnh, sẽ có khoảng 6 triệu m3 nước từ hồ Suối Dầu được xả bổ sung cho sông Cái Nha Trang để đảm bảo nguồn cấp nước cho 2 nhà máy nước Xuân Phong và Võ Cạnh. Theo đại diện Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa, hiện nay, công ty đang gia cố đập ngăn mặn Vĩnh Phương để chống thất thoát nước xuống hạ lưu, đồng thời chống xâm nhập mặn lên phía thượng lưu.

Đối với 51 hệ thống nước phục vụ cho hơn 66.000 người dân ở các địa phương không sử dụng nguồn nước cấp từ các hồ chứa mà sử dụng nguồn từ các sông, suối, các địa phương đã có dự trù kinh phí và đề nghị kéo dài thêm khoảng 86km tuyến ống cấp nước đến các khu vực công cộng để cấp nước cho người dân, với kinh phí 20 tỷ đồng.

Ở những nơi sử dụng chủ yếu giếng đào, giếng khoan, chính quyền các địa phương cũng đã đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí khoan giếng hoặc vận chuyển nước phục vụ người dân. Theo kiến nghị từ các địa phương, toàn tỉnh có nhu cầu khoan 70 giếng nước và xây bể chứa với kinh phí 8 tỷ đồng; cần khoảng 700 triệu đồng cho việc vận chuyển nước đến những nơi không thể đào giếng.

Chỉ đạo về việc đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân, ông Lê Đức Vinh nhấn mạnh: “Nhất định không để người dân thiếu nước sinh hoạt và thiếu đói do hạn hán gây ra. Lãnh đạo UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về vấn đề này”. Ông Lê Đức Vinh cũng yêu cầu các địa phương trên cơ sở nguồn nước ở các hồ chứa hiện nay cân đối, xây dựng phương án chi tiết cấp nước theo thứ tự ưu tiên: sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp - dịch vụ, rồi mới đến sản xuất nông nghiệp; sử dụng kinh phí dự phòng của cấp huyện để thực hiện việc khoan, đào giếng, chở nước từ nơi khác đến cung cấp cho những vùng thiếu nước nghiêm trọng hoặc không có nước; tăng cường tuyên truyền người dân và du khách sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Trước mắt, các địa phương khảo sát, xác định các vị trí có nước để tiến hành khoan giếng, xây dựng hồ, bể chứa nước để cung cấp nước cho người dân, sau đó mới tính đến phương án nối mạng cấp nước từ các nhà máy nước hiện có…   

HẢI LĂNG - HỒNG ĐĂNG

_____________________________________________________



* Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh:

Trước tình hình nắng hạn kéo dài, tình trạng thiếu nước sinh hoạt sẽ trầm trọng hơn mọi năm; các địa phương, đơn vị liên quan cần phải tập trung tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, nhất là với những hộ tiêu thụ lượng nước nhiều.

Các địa phương phải rà soát, nắm chắc số lượng các hộ thiếu nước để có phương án cấp nước cho người dân; ở những vùng không có nước thì phương án khoan giếng, đào giếng là khả thi hơn cả.
______________________________________________________

 Ông Lê Hoàng Thọ - Phó Giám đốc Sở Công Thương:

Trên địa bàn tỉnh có 2 hồ thủy điện, gồm: EakrongRou và Sông Giang 2. Hiện nay, hồ thủy điện EakrongRou đang ở gần mực nước chết, lượng nước về hồ chỉ khoảng 0,7 - 0,8m3/s và đang giảm dần; kế hoạch phát điện, xả nước hàng ngày về hạ du khoảng 100.000m3/ngày đêm, dự kiến đến giữa tháng 5 nếu không mưa thì lượng nước sẽ hết. Trong khi đó, hồ thủy điện Sông Giang 2 được vận hành theo hình thức đập tràn tự do nên dòng nước thượng du hoàn toàn được chảy tự nhiên xuống vùng hạ du. Hiện tại, mực nước lòng hồ xuống dưới mực nước chết; trong ngày chỉ xả qua cống hạ lưu sau đập, với lưu lượng thấp. Trường hợp có mưa, nước đầu nguồn về nhiều, trên mực nước chết thì mới có thể kết hợp xả qua nhà máy.

_______________________________________________________


Ông Nguyễn Tấn Hương - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ:

Dự báo cuối tháng 5, đầu tháng 6, khả năng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xuất hiện các trận mưa dông với lượng mưa khá, giúp cải thiện một phần tình trạng khô hạn và thiếu nước trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tổng lượng mưa mùa khô ở Khánh Hòa thấp hơn so với trung bình cùng kỳ nhiều năm, vùng đồng bằng ven biển khoảng 100 đến 200mm, vùng núi từ 200 đến 400mm. Dự báo lượng dòng chảy trên các sông, suối tỉnh Khánh Hòa thiếu hụt khoảng 85 - 97% so với trung bình nhiều năm. Mực nước thấp nhất trên các sông có khả năng xảy ra cuối tháng 4, đầu tháng 5.
Theo Báo Khánh Hòa

Không có nhận xét nào :

Cảm ơn quý khách hàng đã đăng tin trên website. Mỗi tin đăng của quý khách đều rất quan trọng đối với chúng tôi. Thân chào!

TRANSLATE

 
Tin tức về Bất động sản Nha Trang