Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Khánh Hòa: Uẩn khúc dự án khu Sân bay Nha Trang cũ của Tập đoàn Phúc Sơn

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh về việc “chia lô bán nền” đất tài sản Nhà nước thuộc khu Sân bay Nha Trang (cũ).
Uan khuc du an khu San bay Nha Trang cu cua Tap doan Phuc Son - Anh 1
Phối cảnh Khu trung tâm đô thị thương mại – dịch vụ – tài chính – du lịch Nha Trang trên nền Sân bay Nha Trang
Cụ thể, vào ngày 10/3/2016 trang An ninh tiền tệ (Antt.vn) thuộc Hội Luật gia Việt Nam có bài
viết “Thủ tướng chỉ đạo dừng xây Trung tâm hành chính, Tập đoàn Phúc Sơn vẫn xây nhà để bán” phản ánh có dấu hiệu cho thấy Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn đang “chia lô bán nền” hàng trăm nghìn m2 đất tài sản Nhà nước thuộc khu Sân bay Nha Trang (cũ)… Theo nội dung bài báo, tại website của công ty Phúc Sơn, đại dự án của Phúc Sơn có tên “Khu trung tâm đô thị thương mại – dịch vụ – tài chính – du lịch Nha Trang” với diện tích hơn 1 triệu m2, chia thành 1.300 lô đất nhà ở và hàng trăm căn biệt thự đơn lập với số vốn lên tới 10.000 tỉ đồng. Bài báo đã đặt ra câu hỏi là nếu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Khánh Hòa hủy bỏ đề án xây dựng Trung tâm hành chính, thì hàng trăm nhà đầu tư trên có phải là đang “mua nhà trên giấy” theo đúng nghĩa đen?
Từ thông tin bài viết đó, UBND tỉnh Khánh hòa đã giao Sở Xây dựng chỉ đạo kiểm tra, xác minh và có biện pháp xử lý kịp thời theo thẩm quyền, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 30/4/2016. Đồng thời, gửi văn bản cho Sở Thông tin và Truyền thông để đăng trên chuyên mục “Thông tin cho báo chí” của Cổng Thông tin điện tử tỉnh.
Theo tìm hiểu của PV, hiện bài viết “Thủ tướng chỉ đạo dừng xây Trung tâm hành chính, Tập đoàn Phúc Sơn vẫn xây nhà để bán” trên trang An ninh tiền tệ đã không thể truy cập được dù còn đường dẫn (đường links) vào bài viết. Vậy do đâu mà một bài báo “bốc hơi” không để lại dấu vết ?. Nhà báo sai phạm nghề nghiệp hay Tập đoàn Phúc Sơn “cần đèn chạy trước ô tô” ? Hay là còn uẩn khúc nào khác?
Vụ việc chắc chỉ có thể sáng tỏ khi Sở Xây dựng báo cáo kết quả cho UBND tỉnh và Sở Thông tin Truyền thông đăng trên chuyên mục “Thông tin cho báo chí” của Cổng Thông tin điện tử như đã nêu ở trên.
Tháng 10/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chấp thuận cho liên doanh Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn và Công ty CP Tập đoàn FLC đầu tư xây dựng trung tâm hành chính mới theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).
Theo đó, Công ty Phúc Sơn được giao một phần đất ở Sân bay Nha Trang (cũ) để khai thác, hoàn vốn đầu tư. Ngoài ra, các nhà đầu tư còn được tỉnh cho thuê toàn cụm khu nhà ở thương mại – dịch vụ – văn phòng rộng 89 ha để kinh doanh trong 50 năm.
Tháng 11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định tạm dừng tất cả các dự án quy hoạch, xây dựng các trung tâm hành chính trên khắp cả nước.
Tháng 1/2016, thông tin từ trên trang Báo Khánh Hòa (baokhanhhoa.com.vn) của phóng viên có bút danh Văn Kỳ nêu: Ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư cho biết, Sân bay Nha Trang rộng 186,86ha, được quy hoạch thành Khu trung tâm đô thị thương mại – dịch vụ – tài chính – du lịch Nha Trang.
Khu đất Sân bay Nha Trang được định giá khoảng 12.000 tỷ đồng. Đất sẽ được bán cho các nhà đầu tư để đối ứng cho các dự án BT đang và sẽ triển khai. Ưu tiên 1 sẽ được đối ứng cho Bộ Quốc phòng để xây dựng sân bay tạm trong Cam Ranh và sân bay lâu dài trong Bình Thuận. Sân bay được xây dựng để làm cơ sở tập luyện cho Trung đoàn Không quân 920 chuyển vào. Theo tính toán, tổng kinh phí xây dựng 2 sân bay nói trên khoảng 5.500 tỷ đồng, tương đương 79ha đất trong sân bay. “Như vậy, trong tổng số tiền bán đất sân bay thì mất khoảng 1/2 đối ứng cho Bộ Quốc phòng. Phần còn lại không đủ để đối ứng cho các dự án BT”, ông Nam nói.
Đối với phần đất còn lại (sau khi loại trừ khoảng 10ha để xây dựng Quảng trường Đại Dương, bảo tàng và trung tâm triển lãm), lãnh đạo tỉnh đã có kết luận về việc sắp xếp các dự án BT theo thứ tự ưu tiên như sau:
Ưu tiên thứ nhất được xác định là các công trình đường sẽ đấu nối từ khu vực liền kề vào Sân bay Nha Trang và từ Sân bay Nha Trang đấu nối ra khu vực liền kề. Một số tuyến đường đã có quy hoạch như: đường Nguyễn Thiện Thuật nối dài, đường Tô Hiến Thành nối dài, các tuyến đường nhánh từ đường Lê Hồng Phong vào sân bay và ngược lại.
Ưu tiên thứ 2 là Khu đô thị hành chính tỉnh ở phía tây Nha Trang.

Ưu tiên thứ 3 là đường băng số 2 Sân bay quốc tế Cam Ranh đã được khởi công với tổng đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng. Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho dự án này là 1.000 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh. Các dự án BT còn lại sẽ tiếp tục được lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành xem xét, sắp xếp.

Không có nhận xét nào :

Cảm ơn quý khách hàng đã đăng tin trên website. Mỗi tin đăng của quý khách đều rất quan trọng đối với chúng tôi. Thân chào!

TRANSLATE

 
Tin tức về Bất động sản Nha Trang